MR. THOẠI’S TOMB
The Mystery of Seven Mountains - part 18
Info
Place: Phạm Văn Bạch str, Núi Sam ward, Châu Đốc city, An Giang
Time: 1 hour and 30 minutes
Opening time: 06h00 - 18h00 every day
Best time: morning or afternoon
Transfer: motorbike, taxi, bus, cyclo,…
Mr. Thoại’s tomb, located in Châu Đốc city about 64 kilometers from Long Xuyên, is a fascinating monument in An Giang tourism. This site honors Nguyen Van Thoại, who was responsible for digging two significant canals in the region: Thoại Hà Canal and Vĩnh Tế Canal. Visitors to the tomb can enjoy beautiful views, fresh air, and explore notable antiquities related to Thoại’s legacy. It’s a peaceful place to appreciate history and nature
Sau khi rời khỏi miếu Bà, tôi lại tiếp tục cuộc hành trình khám phá vùng đất núi Sam. Và địa điểm tiếp theo là Lăng Thoại Ngọc Hầu, mà người dân ở đây thường gọi là Lăng Ông. Cũng dễ hiểu vì họ tôn kính tưởng nhớ người đã khai phá ra vùng đất ở địa đầu sông nước Cửu Long – Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại.
Lăng toạ lạc tại phường Núi Sam – thành phố Châu Đốc, cách miếu Bà Chúa Xứ chừng 50 mét bằng cách băng qua quốc lộ 91 theo hướng tay phải. Lăng tựa mình vào núi Sam diễm lệ, nhìn thẳng ra dòng Vĩnh Tế hiền hoà, uốn lượn bên những cánh đồng lúa xanh mướt, nép mình bên quốc lộ 91. Công trình được xây dựng năm nào không rõ, chỉ biết rằng khi người vợ thứ của ông là Trương Thị Miệt mất (tháng 7 năm Tân Tỵ 1821), ông đã cho an táng bà tại đây. Đến tháng 10 năm Bính Tuất (1826), bà vợ chính của ông là Châu Thị Tế mất, cũng được ông đem an táng tại đây. Như vậy, có thể nói Sơn Lăng đã được Thoại Ngọc Hầu cho xây đúc trước khi ông qua đời vào tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829).
Muốn lên lăng, phải bước lên chín bậc thang làm từ đá ong dài trên trăm mét rồi mới vào sân. Sân lăng bằng phẳng, rộng thênh thang, có hai tiểu đình. Một dùng để chứa tấm bia Thoại Sơn bản sao bằng đá cẩm thạch trắng, một dùng để mô phỏng hình ảnh lính canh thời xưa với chú ngựa được dựng bằng thạch cao, sơn son thiếp vàng. Tiếp đến là hai vòng thành, với hai cánh cổng vào lăng hình bán nguyệt, trông thật uy nghi, bề thế. Kế tường thành có một khẩu súng thần công và năm tấm bia được gắn chặt vào. Bia chính giữa có thể là bia Vĩnh Tế - được làm bằng đá sa thạch khắc 730 chữ Hán, qua thời gian chữ còn chữ mất; bốn tấm bia còn lại thì “chẳng còn lại gì”. Tiếc thay!
Qua khỏi cổng là ba phần mộ nằm ngay giữa khuôn lăng, mộ ông Nguyễn Văn Thoại nằm ngay giữa, mộ bà chính thê Châu Thị Tế nằm bên phải và mộ bà kế thất Trương Thị Miệt nằm bên trái, lùi về sau một chút. Tất cả được xây bằng hồ ô đước và trùng tu bằng xi măng, với màu sơn xám tro. Phía đầu ngôi mộ là chi chít chữ Hán phồn thể mà chẳng ai đọc được, còn phía chân mộ có bi ký. Trước mộ có bằng hương án để mọi người có thể thắp nhang tưởng niệm. Xung quanh ba phần mộ, còn có hơn 50 phần mộ có bờ thành bao quanh. Các ngôi mộ này có qui mô lớn, nhỏ tuỳ ý, lại có kiểu cách đa dạng từ bầu, dài, hình voi phục, hổ quỳ đến vuông vức,... qua thời gian mộ bia hư hỏng – không thể đọc được gì nữa nhưng tất cả có thể là gia nhân và những người đã mất trong công việc đào kênh Thoại Hà và Vĩnh Tế được an táng tại đây.
Theo bậc thang lên cao, ra khỏi vuông lăng là đền thờ ông Thoại. Đền tựa lưng vào núi Sam và được dựng lên sau này để tưởng nhớ ông – người đã cho vùng đất này một đôi cánh để bay lên. Vào lăng, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng di tượng Thoại Ngọc Hầu cao khoảng hai mét. Phía sau là án thờ ông với đủ đồ lễ bộ, xung quanh là những di vật của ông, những áo mão cân đai ngày xưa được phục chế, những thanh kiếm được xếp ngay ngắn, cẩn thận. Tiếng chuông, tiếng mõ trầm đều, dịu dàng thanh thoát, mùi trầm hương lan toả tạo nên không gian ấm cúng, trang nghiêm và xúc động như đang được gặp lại vị tiền nhân thuở trước đang nhoẻn miệng cười nhìn non sông An Giang trù phú.
Theo toàn cảnh mà nói, Lăng Thoại Ngọc Hầu – Lăng Ông, hay Sơn Lăng thực sự rất đẹp, rất tinh tế. Dù nằm ở triền núi Sam, ngay cạnh bờ kênh Vĩnh Tế, với dân cư đông đúc của đô thị đang ngày càng phát triển nhưng nhìn mà xem. Ở nơi xanh um những tàn cây cổ thụ lại hiển hiện lên một khuôn lăng đồ sộ thanh nhã, cổ kính với lối kiến trúc nghệ thuật hài hoà, thuần phát phương Đông. Lăng Thoại Ngọc Hầu xứng đáng là một công trình kiến trúc tiêu biểu thời phong kiến, một thắng cảnh đặc sắc ở núi Sam và của cả An Giang. Vậy nên, ngày 1 tháng 12 năm 1997, Lăng Thoại Ngọc Hầu cùng KDL núi Sam đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ngay bên cạnh khuôn lăng, phía bên trái là khu trưng bày cổ vật Thoại Ngọc Hầu. Nơi đây trưng bày những di vật có liên quan đến cuộc đời của ông như lễ phục, mũ quan, thanh kiếm của ông,... Bên cạnh đó, còn trưng bày những đồ vật có giá trị cổ vật về văn hoá thời nhà Nguyễn như chiếc đĩa sứ xanh lam, chiếc lư đồng, cái tủ tinh xảo, tấm rèm che,… và những công cụ, những vật dụng trong quá trình khai phá, đào kênh như chiếc đèn, cây xuổng đến cái khăn rằng, tấm áo của những người dân phu. Đây là nơi rất thú vị để tìm hiểu về những năm tháng đã qua trong lịch sử, để ôn cố tri tân và để bản thân cảm thấy có trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước./ Tham khảo: Wikipedia, Cổng thông tin điện tử An Giang, BQL KDL Núi Sam Lăng Thoại Ngọc Hầu
LĂNG THOẠI NGỌC HẦU
Thất Sơn huyền bí - phần 18
Thông tin
Địa điểm: đường Phạm Văn Bạch, P. Núi Sam, TP. Châu Đốc, An Giang
Thời gian tham quan: 01 tiếng đến 01 tiếng 30 phút
Thời gian tốt nhất: buổi sáng, hoặc chiều
Giờ tham quan: 07h30 - 17h00 hàng ngày
Phương tiện: xe gắn máy, xe lôi, xe taxi, xe bus,…
Ngày tưởng niệm: 06/06 âm lịch hàng năm
Được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia ngày 10/07/1980 theo quyết định 92/BVHTT bởi bộ Văn hoá Thông tin
Thiên Linh
---
Thông tin liên hệ
Email: sidoltrip@gmail.com
Instagram, Twitter: @Agides4U
Comments
Post a Comment