Saigon in Hearts - part 1 chap 2
Tầng 2 của Dinh Độc Lập bao gồm phòng Hội đồng An ninh Quốc gia, phòng làm việc của tổng thống, phòng tiếp khách của tổng thống, phòng tiếp khách của phó tổng thống, phòng trình quốc thư và phòng sinh hoạt. Phòng Hội đồng An ninh Quốc gia là nơi Tổng thống họp bàn với các tướng lĩnh và cố vấn quân sự của Mỹ. Trong phòng, có trưng bày rất nhiều bản đồ về địa giới hành chính và các vùng chiến thuật. Phòng Làm việc là nơi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã sử dụng để làm việc. Bên trong phòng có các hiện vật như bàn ghế, giá sách, tủ, không gian được bài trí để tiếp đón các tướng lĩnh. Phía sau bàn làm việc có bức tranh "Cầu Tri Thủy" do họa sĩ Phạm Cơ vẽ, miêu tả vùng biển Ninh Chữ, Phan Rang – quê hương của Nguyễn Văn Thiệu. Ngoài ra, phòng còn có bức tranh thêu tay trên nền nhung đỏ với hình ảnh chim hạc đậu trên cây tùng, là món quà tặng của đại tướng lục quân Hàn Quốc, Mul Hien The. Phía cạnh đó có một cánh cửa màu nâu mở ra cầu thang dẫn đến hầm thoát, sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Phòng tiếp khách của Tổng thống gồm hai phòng thông nhau. Phòng đầu tiên có ghế của Tổng thống được đặt cao hơn các ghế khác, phía sau là một tấm gỗ lớn tượng trưng cho quốc kỳ. Đối diện ghế của Tổng thống là ghế của Thượng khách, cả hai đều được chạm trổ đầu rồng. Những ghế còn lại dành cho phụ tá và thư ký được chạm hình chim phụng hoặc chữ thọ. Phòng thứ hai có bài trí đơn giản hơn, với các ghế đặt bằng nhau, cùng hai tủ sơn mài "Mai lan" và "Cúc trúc" của điêu khắc gia Nguyễn Văn Triêm, được đặt trang trí ở giữa. Phòng tiếp khách của phó Tổng thống là nơi tiếp khách của các phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Trong phòng có hai bức tranh sơn mài của Thái Văn Ngôn năm 1966: một bức vẽ Khuê Văn Các và một bức vẽ cảnh dạo chơi của vua Trần Nhân Tông, trong đó nhà vua cởi áo khoác cho một người hành khất.

Phòng Làm việc của phó Tổng thống là nơi làm việc của các phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Phòng có bàn làm việc được phục chế, tủ sách với nhiều cuốn sách lịch sử được trưng bày. Khu vực tiếp khách được bài trí tinh tế, trên tường treo ảnh bà Đặng Tuyết Mai (vợ ông Nguyễn Cao Kỳ). Ngoài ra, cũng có hai bức tranh "Cao nguyên Trung phần" treo phía sau bàn làm việc và một bức ảnh khổ lớn trắng đen về bãi biển miền Trung với những con sóng ấp ủ, tạo nên không khí nhẹ nhàng và yên tĩnh trong phòng làm việc. Phòng Trình Quốc Thư, nằm ngay sau cầu thang đại sảnh, được coi là trái tim của Dinh Độc Lập. Nội thất phòng do họa sĩ Nguyễn Văn Minh thực hiện theo phong cách sơn mài độc đáo của Nhật. Một trong những điểm nổi bật là bức tranh "Bình Ngô đại cáo", được ghép từ 40 miếng gỗ nhỏ, miêu tả cuộc sống thanh bình của người dân vào thế kỷ XV, với hình ảnh vua Lê Lợi tuyên bố chiến thắng trước quân Minh ở trung tâm. Dọc theo hai bên tường là tám ngọn đuốc, tượng trưng cho việc được thắp sáng trong nghi lễ ngoại giao. Trần phòng được trang trí bằng một chiếc đèn chùm pha lê đơn giản nhưng tinh tế. Phía sau phòng Trình Quốc Thư là khu ở của gia đình Tổng thống, bao gồm ba phòng ngủ, phòng ăn và phòng sinh hoạt chung, với đầy đủ trang thiết bị và nội thất được phục chế, thể hiện sự xa hoa của người đứng đầu. Khu vực giếng trời ở giữa có một hòn non bộ giả hình ngọn núi, với suối chảy róc rách xuống hồ bên dưới, tạo nên không gian thiên nhiên trong lành, giúp cho những mảng tường khô khan, chán ngắt trở nên sống động và đầy sức sống. Cạnh cửa vào khu vực này có những hiện vật quý giá do các tướng lĩnh và quan chức tặng cho Tổng thống, trong khi cửa bên trái có tấm bảng khánh thành Dinh. Tiền sảnh tầng 2 còn có tấm thảm tròn được dệt bằng gấm với hai tông màu chủ đạo là đỏ và vàng. Vòng ngoài thảm thể hiện bốn con rồng chầu mặt trời, vòng giữa là cặp phượng hoàng uốn lượn, và tâm của thảm là chữ Thọ “寿/壽”, biểu thị cho sự trường tồn vĩnh cửu.
Tầng 3 của Dinh Độc Lập bao gồm thư viện, phòng khách của phu nhân Tổng thống, phòng chiếu phim và phòng giải trí. Thư viện nằm ở góc phía Đông, trong một không gian yên tĩnh, bên cạnh cửa sổ là những hàng cây xanh, tạo nên cảm giác yên bình. Bên trong phòng có một bàn đọc sách và những kệ sách chứa đầy các quyển sách về lịch sử, chính trị, văn hóa, với nhiều thứ tiếng như Việt, Pháp, Trung, … Phòng khách của phu nhân Tổng thống là nơi tiếp đón và chiêu đãi phu nhân của các chính khách cùng các quý bà đại diện cho các tổ chức xã hội trong và ngoài nước. Đèn trang trí trong phòng được thiết kế riêng theo hình dáng của những bông hoa, mang lại vẻ mềm mại cho không gian. Điểm nhấn của căn phòng là sự đối lập trong bài trí, với một bên là bộ tượng gốm tam đa Phúc Lộc Thọ của châu Á và bên kia là bức tranh theo chủ nghĩa lập thể của phương Tây. Phòng chiếu phim nằm ở trung tâm tầng, với sức chứa 30 chỗ ngồi. Không gian được cách âm để giúp người sử dụng có thể thưởng thức các bộ phim một cách tốt nhất. Phòng giải trí là nơi thư giãn của gia đình Tổng thống và các quan chức. Tại đây có bàn cờ domino, bàn bi-a, bàn trà, bàn đánh mạt chược, giúp họ giải trí và tiêu khiển sau những giờ phút căng thẳng.
Tầng 4 là phần sân thượng của Dinh Độc Lập, nơi nổi bật với kiến trúc độc đáo mang tên “Tứ phương vô sự lâu” hay còn gọi là lầu Tĩnh Tâm. Nơi đây được thiết kế dành riêng cho Tổng thống, giúp ông tìm đến sự an tâm, tĩnh lặng để suy nghĩ trước những quyết định quan trọng và tự vấn lương tâm trước và sau mỗi hành động liên quan đến vận mệnh đất nước. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Thiệu đã biến nơi này thành một vũ trường, nơi tổ chức các buổi vũ hội với sức chứa hơn 100 khách. Sàn được lát bằng gỗ cây gõ, bục sân khấu làm từ gỗ bằng lăng, và xung quanh lầu được bao bọc bởi cửa kính chịu lực trong suốt, dày 12mm. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn trọn vẹn khuôn viên xanh mát của Dinh Độc Lập.
Sân thượng của tòa nhà còn có chiếc trực thăng UH-1 mang số hiệu 445, từng được sử dụng để phục vụ các chuyến thị sát của Tổng thống cũng như để di tản các quan chức trong những tình huống khẩn cấp. Cạnh chiếc trực thăng, có hai ụ nhỏ dẫn xuống khu tư dinh của Tổng thống. Ngoài ra, du khách sẽ thấy hai vòng tròn được sơn màu đỏ, đánh dấu vị trí nơi hai quả bom được phi công Nguyễn Thành Trung ném nhằm ám sát Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 08/04/1975. Vụ ném bom đã làm hư hại phần lớn sân đáp máy bay và cầu thang trung tâm bên dưới, nhưng không ảnh hưởng đến kết cấu chung của tòa nhà, nên ngay sau đó đã được khôi phục lại nguyên trạng.
Tầng 0, hay còn gọi là tầng trệt, là tầng nằm trên mặt đất. Tuy nhiên, khi du khách vào Dinh từ cổng chính, sẽ bước vào tầng 1 trước, vì phần mặt tiền được tôn nền cao hơn so với xung quanh. Đây cũng là cấu trúc chung của các kiến trúc thời Pháp. Tầng trệt bao gồm khu vực bếp, phòng chiếu phim tư liệu, phòng tập bắn và phòng thông tin liên lạc. Bếp là nơi phục vụ các buổi tiệc chiêu đãi trọng thể như lễ nhậm chức, lễ quốc khánh và tiệc chiêu đãi nguyên thủ quốc gia. Khu bếp được trang bị hiện đại như một khách sạn 5 sao thời bấy giờ, với các thiết bị làm bằng inox sản xuất tại Nhật, có kho lạnh để bảo quản thực phẩm và hệ thống hút khí trên các bếp nấu. Thang máy phục vụ có khả năng vận chuyển 100 kg thức ăn lên các tầng lầu. Xe Mercedes Benz 200 W110 của Đức là một trong những chiếc xe mà Nguyễn Văn Thiệu đã sử dụng, được Quân Giải phóng thu giữ khi tiến vào Bộ Tổng tham mưu của Việt Nam Cộng hòa. Xe Jeep M151A2 là chiếc xe đã đưa Dương Văn Minh sang Đài phát thanh Sài Gòn để đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước chính quyền cách mạng vào trưa ngày 30/04/1975. Phòng tập bắn là nơi Tổng thống luyện tập và thực hành kỹ năng bắn súng, với ba bia tập bắn ở khoảng cách 5 mét. Phòng chiếu phim tài liệu bao gồm 5 phòng được cải tạo để chiếu các phim tài liệu về lịch sử của Dinh bằng 5 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga. Đây có lẽ là nơi thoải mái và mát mẻ nhất của Dinh, vì có hệ thống điều hòa nhiệt độ, khiến cho ai cũng không muốn rời khỏi đó.
Tầng hầm của Dinh Độc Lập bao gồm phòng Tham mưu tác chiến, phòng Thông tin liên lạc, phòng ngủ của Tổng thống và phòng Trực chiến (phòng điều hành tác chiến). Đây là không gian làm việc được trang bị hiện đại và chuyên dụng cho việc liên lạc trong những tình huống cần thiết; nơi đây có cả hệ thống phát thanh dự phòng. Phòng Tham mưu tác chiến là nơi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa nghiên cứu tình hình và thảo luận với các tướng lĩnh về những kế hoạch quan trọng. Xung quanh phòng được bố trí nhiều bản đồ để theo dõi mọi kế hoạch tác chiến của quân đội từ các vùng chiến thuật. Phòng Thông tin liên lạc sở hữu hệ thống điện thoại đấu nối trực tiếp đến cấp chỉ huy các địa phương, các vùng chiến thuật và đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn. Tuy nhiên, tầng hầm này, cùng với một số căn phòng và những đường hầm bí mật trong Dinh, đã bị cấm tham quan vì lý do an ninh. Do đó, du khách sẽ không thể tham quan Dinh một cách trọn vẹn. Dù vậy, việc được khám phá tất cả những căn phòng chính đã được đề cập ở trên vẫn là một hành trình thú vị và hấp dẫn, phải không nào?
Sau khi len lỏi qua bảy mươi bốn ngõ ngách trong Dinh mà vẫn chưa chán chê, chúng ta cùng tham quan khuôn viên để khám phá những điều thú vị. Phía sau Dinh có hai sân tennis, được sử dụng để rèn luyện sức khỏe. Cạnh đó là chuỗi nhà hàng 30/4 phục vụ ăn uống, hoặc du khách có thể ghé qua nhà lá Trung Quân để nạp lại năng lượng cần thiết cho cuộc hành trình tham quan tiếp theo. Ở góc đường Huyền Trân và Nguyễn Du, hiện tại là Trung tâm hội nghị 108 Nguyễn Du, một khách sạn được chuyển đổi từ một trụ sở của quân lực Việt Nam Cộng hòa để bảo vệ cho Dinh. Đây cũng là nơi du khách có thể trải nghiệm cảm giác hòa mình vào những năm tháng "tuyệt vời" ấy. Tuy nhiên, việc thuê một đêm tại đây có lẽ khó khăn như việc thấy mặt chị Hằng, bởi khách sạn chủ yếu phục vụ cho các vị khách quan trọng của thành phố, và du khách thường không đến tham quan, mặc dù kiến trúc bên ngoài vẫn giữ được nét tráng lệ của thời Pháp thuộc.
Comments
Post a Comment